- Published on
Vô định - Phần II - Chuyển Stack
- Authors
- Name
- Tran Tien Dat
Đi kèm với sự vô định, tui cũng tìm cho mình một hướng đi khác hơn. Chuyển stack là một quyết định có phần táo bạo. Ai cũng dám nghĩ nhưng có mấy ai thật sự dám làm. Ở môi trường hoàn toàn mới, tui đã phải học hỏi rất nhiều từ việc thích nghi đến việc làm quen với các thứ công nghệ mới, con người mới.
Stack là gì?
Stack hiểu nôm na là một thuật ngữ để nói về một nhóm các công nghệ hay ngôn ngữ lập trình đi chung với nhau để lập trình các ứng dụng trong một hệ sinh thái nhất định. Ở mỗi stack sẽ có những rules và conventions khác nhau nhưng giống nhau về mặt pattern và architecture.
Ví dụ: Stack .NET bao gồm C#, Azure, MSSQL, các thư viên hỗ trợ được support và liên kết với nhau trong cộng đồng Microsoft.
Qua đó một lập trình viên thường có xu hướng làm việc theo 1 stack tùy theo môi trường, công ty, dự án hay cộng đồng phát triển của nó. Càng làm việc lâu trong 1 stack thì bạn càng hiểu rõ cách vận hành của chúng, hiểu được cách kết nối, quen với việc sử dụng các tools, các thư viện, từ đó làm việc lập trình trở nên nhanh hơn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thế giới công nghệ giờ đây giãn nở rất nhanh với nhiều cộng đồng phát triển dẫn đến sự hình thành nhiều hơn của các stack công nghệ khác nhau. Nên việc chuyển qua 1 stack công nghệ khác đòi hỏi người lập trình viên không những phải học những ngôn ngữ mới, mà còn phải học cách thích nghi với cộng đồng mới nữa.
Thật ra thì giống như một lớp học thường chia ra nhiều nhóm vậy, mỗi nhóm bao gồm các thành viên có chung những đặc điểm rất riêng và sự so sánh giữa các nhóm với nhau là khó tránh khỏi. Bạn là một người trung lập với việc tham gia nhiều nhóm khác nhau sẽ giúp bạn biết được nhiều khía cạnh của cuộc sống, có nhiều lựa chọn từ đó đưa ra quyết định hiệu quả hơn. Nhưng bù lại, bạn có thể chỉ hiểu bề nổi của vấn đề hoặc bạn phải dành ra rất rất nhiều thời gian để tìm hiểu.
Quan điểm cá nhân sau 1 năm chuyển sang stack mới
Ở góc độ cá nhân, tui thấy việc chuyển stack là một quyết định khá mạnh dạng của bản thân. Bên cạnh việc phải tiếp thu học hỏi công nghệ, tui liên tục phải đặt ra nhiều câu hỏi kiểu như: Tại sao phải áp dụng cái này? Tại sao phải không dùng cách kia? Tại sao và tại sao? Trong đầu cứ phải suy nghĩ so sánh giữa stack cũ và stack mới, nhưng đôi lúc nó quá khác biệt, cũng như hai đội bóng ở hai bên chí tuyến vậy và bạn chỉ có thể là cổ động viên cho 1 bên thôi. Thử hình dung việc bạn là cổ động viên đội tuyển VN nhưng ngồi giữa đám đông cổ động viên Malaysia ấy. Đó thật sự là cảm giác rất khó hòa hợp trong những tháng đầu tiên. Bên cạnh đó ở trình độ hiện tại, việc chuyển stack phần nào làm lương của tui giảm đi đáng kể, nếu so với việc tiếp tục stack cũ. Tuy vậy, cái gì cũng có sự đánh đổi cả, bù cho sự khó khăn ở giai đoạn đầu là những trải nghiệm rất mới mẻ ở khúc sau.
Chuyển stack, giúp tui...
Biết chấp nhận, lắng nghe để được lắng nghe hơn
Nếu thời gian đầu tui cố chấp bao nhiêu, thì càng về sau tui càng dễ dàng tiếp nhận vấn đề hơn. Bởi lẽ, ở mỗi môi trường hoàn cảnh khác nhau, cách thức hoạt động cũng sẽ rất khác nhau. Nếu cứ ép bản thân để hợp với môi trường cũ, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ hòa nhập được với nơi mới. Điểm mấu chốt là biết lắng nghe và tập trung lắng nghe. Khi bạn tập trung lắng nghe, bạn dành toàn bộ sự tôn trọng cho đối phương, họ nhìn thấy điều đó và cũng sẽ lắng nghe và tôn trọng bạn y như cách bạn làm với họ vậy.
Biết mở lòng để thấy mình nhỏ bé
Thành thật mà nói thì tui vẫn là đứa nhỏ tuổi nhất trong công ty và trong team. Và dành cho những bạn nào chưa cảm nhận được thì việc này giúp bạn có rất nhiều quyền lợi để học hỏi tìm hiểu từ những anh chị đi trước đấy. Làm việc với các anh chị càng khó càng kỹ tính thì bạn lại càng học được nhiều điều hơn nữa. Nếu dẹp qua những cảm xúc tiêu cực khi bị “rầy”, bạn sẽ nhận ra rằng mình luôn được ưu tiên chăm sóc tất tần tật về mặt kỹ năng, ưu tiên nhận được nhiều lời góp ý, hỗ trợ và đôi khi là cả che chở nữa. Ông bà ta nói: “Thương cho roi cho vọt. Ghét cho ngọt cho bùi”. Đi làm cũng vậy, ai càng thật lòng và đặt niềm nơi bạn, người đó càng có xu hướng cho bạn những lời “nghe khá sốc” đủ thôi thúc cái tôi trong bạn trỗi dậy, nhưng cuối cùng thì họ chỉ muốn bạn phát triển hơn thôi. Nên hãy học cách tiếp nhận nó một cách vui vẻ nhất có thể nhé.
Học được cách tư duy trừu tượng
Ai đã từng làm qua nhiều stack hay đơn giản là sử dụng những thư viện có bản chất giống nhau cho 2 hệ ngôn ngữ khác nhau, chắc chắn sẽ phải tìm cho ra những điểm chung về mặt kiến trúc hay mô hình áp dụng, chúng chỉ khác nhau ở mặt hiện thực. Để làm được điều này bạn cần hiểu rõ 1 trong 2, hiểu được quy luật bên dưới, thúc đẩy bạn nghiên cứu xuống sâu cái bản chất, thứ cốt lỗi để nó tồn tại. Như vậy bạn vô tình trừu tượng hóa được 1 vấn đề, nên khi có 1 thư viện khác ra đời ở một ngôn ngữ khác chẳng hạn, bạn sẽ học nó nhanh hơn rất nhiều.
Chuyển Stack trong tui cũng là 1 phần của vô định,...
Để trống khoảng định hướng, tui cũng chọn cách bước chân ra khỏi vùng đất quen thuộc, tìm kiếm một thứ mang đến cảm hứng thật sự. Thứ đó thật trừu tượng, cũng như sự mông lung của bản thân vậy, nhưng tui là vậy, đã nghĩ tới, thì tui sẽ làm tới. Bước chân ra đi, thời gian rồi sẽ cho ta câu trả lời.
PART 3 - TÌM LẠI